CÁC HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI VIỆT NAM ĐÃ KÝ KẾT QUÁ TRÌNH VÀ LỢI THẾ
Chắc hẳn tất cả chúng ta đều còn nhớ sự kiện vào đầu năm 2017, Tổng thống Donald Trump quyết định Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Sự kiện này đã gây chấn động, tạo hoang mang cho các nước tham gia vào Hiệp định lúc bấy giờ. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào trạng thái lao đao và bị phá vỡ toàn bộ kế hoạch đã chuẩn bị để tiếp cận thị trường 11 nước còn lại. Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại quốc tế (FTA) trên toàn cầu. Bài viết này chúng ta sẽ cùng đi qua các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết và những lợi thế to lớn mà các hiệp định này mang lại nhé.
Tổng quan về các FTA của Việt Nam
Trong suốt quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam đã ký kết rất nhiều Hiệp định Thương mại. FTA sớm nhất của Việt Nam chính là AFTA vào năm 1996, một năm sau khi gia nhập ASEAN – nay đã được thay thế bằng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Tiếp đến, năm 2007, Việt Nam gia nhập trở thành thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và chính thức bắt tay vào công cuộc tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Nối tiếp thành công, năm 2015 là một năm đầy bước ngoặt khi Việt Nam liên tiếp ký kết bốn FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á – Âu (EEC) và TPP. Tính đến cuối năm 2016, các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán tổng cộng 16 FTA; đây là một con số rất ấn tượng đối với một nước Châu Á đang vươn lên phát triển. Trong số 16 FTA này có 10 FTA đã được thực thi (6 trong 10 này được thực thi với tư cách là thành viên ASEAN, 4 FTA còn lại là với Chile, Nhật Bản, Hàn Quốc và EEC); 2 FTA đã kết thúc đàm phán là TPP và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA); 4 FTA đang đàm phán là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA ASEAN – Hồng Kông, FTA với Isarel và với Khối thương mại tự do Châu Âu (EFTA).
Bảng phân loại các Hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết qua các năm
Các FTA đã ký kết và đã có hiệu lực
STT | Hiệp định | Ngày kí | Nơi kí | Các quốc gia thành viên | Tình trạng hiệu lực |
1 | Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) | 28/1/1992 | Singapore | AFTA hiện nay bao gồm 10 nước ASEAN: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam. | Có hiệu lực từ ngày 1/1/1993 |
2 | Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc | 4/11/2002 | Phnom Penh, Campuchia | Mười quốc gia thành viên của ASEAN và Trung Quốc | Có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 |
3 | Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Ấn Độ | Thoả thuận khung được ký vào 8/10/2003 | Bali -Indonesia | Mười quốc gia thành viên của ASEAN và Ấn Độ | Có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 |
4 | Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản | Thoả thuận khung được ký vào 8/10/2003 | Bali, Indonesia | Mười quốc gia thành viên của ASEAN và Nhật Bản | Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/12/2008. Riêng đối với Malaysia có hiệu lực từ 1/2/2009. |
5 | Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Hàn Quốc | 13/12/2005. | Mười quốc gia thành viên của ASEAN và Hàn Quốc | có hiệu lực từ tháng 6 năm 2007 | |
6 | Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản | 25/12/2008 | Việt Nam, Nhật Bản | Có hiệu lực từ 1/10/2009. | |
7 | Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Úc / New Zealand | 27/2/2009 | Thái Lan | Mười quốc gia thành viên ASEAN và Úc, New Zealand. | Bắt đầu có hiệu lực vào 1/1/2010. Hiệp định có hiệu lực đối với tất cả các nước vào ngày 10/1/2012. |
8 | Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Chilê | 11/11/2011 | Honolulu, Hawaii, Mỹ | Việt Nam, Chi Lê | Có hiệu lực từ 1/1/2014 |
9 | Khu vực mậu dịch tự do Việt Nam – Hà Quốc | 5/5/2015 | Hà Nội, Việt Nam | Việt Nam, Hàn Quốc | Có hiệu lực từ 20/12/2015 |
10 | Liên minh kinh tế Việt Nam – Á Âu | 29/5/2015 | Kazakhstan | Việt Nam, Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan | Có hiệu lực từ 5/10/2016. |
Các FTA đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực
STT | Hiệp định | Ngày kí | Nơi kí | Các quốc gia thành viên | Tình trạng hiệu lực |
11 | Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) | 4/2/2016 | New Zealand | Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Peru, Chilê, New Zealand, Úc, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam | Mỗi Bên đang tuân theo các thủ tục thích hợp trong nước để phê chuẩn Hiệp định |
Các FTA đang trong quá trình đàm phán
STT | Hiệp định | Ngày kí | Nơi kí | Các quốc gia thành viên | Tình trạng hiệu lực |
12 | Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EFTA | Các cuộc đàm phán được bắt đầu từ tháng 5 năm 2012 | Việt Nam, Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein | Vẫn đang trong quá trình đàm phán. | |
13 | Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) | Các cuộc đàm phán được bắt đầu từ 9/5/2013 | Mười quốc gia thành viên của ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, New Zealand | Vẫn đang trong quá trình đàm phán | |
14 | Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Hồng Kông | Các cuộc đàm phán được bắt đầu từ tháng 7 năm 2014 | Mười quốc gia thành viên của ASEAN và Hồng Kông | Vẫn đang trong quá trình đàm phán | |
15 | Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Israel | Các cuộc đàm phán được bắt đầu từ 2/12/2015 | Việt Nam, Israel | Vẫn đang trong quá trình đàm phán | |
16 | Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU | Quá trình đàm phán kết thúc vào 2/12/2015 | Brussels, Bỉ | Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Châu Âu | Hiệp định đã kết thúc đàm phán nhưng chưa kí kết |
Việt Nam được lợi thế gì khi tham gia các Hiệp định Thương mại?
Không phủ nhận, các FTA đã góp phần rất lớn trong việc giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, giúp việc thu hút các nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được mở rộng hơn và có nhiều cải tiến tiến bộ về mặt chính sách kinh tế. Rất nhiều các nhà đầu tư nước ngoài có những kế hoạch tấn công và đổ bộ vào thị trường Việt Nam với tổng giá trị vốn FDI đăng ký là 307,86 tỉ đô la Mỹ với 23,737 dự án, 59% trong số các dự án này là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. (Số liệu thống kê tính đến tháng 7 – 2017 do Bộ kế hoạch và Đầu tư công bố).
Một nghiên cứu của Barai et al. (2017) đã chỉ ra rằng sau khi Việt Nam ký kết các FTA, đất nước ta có xu hướng hội nhập kinh tế thế giới, tăng tính cạnh tranh và không còn phụ thuộc quá nhiều vào các thị trường nước bạn. Bảng số liệu dưới đây cho thấy nền xuất khẩu Việt Nam từ còn rất non nớt nay đã trở thành đối tác của Mỹ, EU và Trung Quốc, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn quốc. Về khía cạnh nhập khẩu, Việt Nam hiện nay vẫn phải phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc với 25% tổng giá trị nhập khẩu năm 2016 trong khi tại Mỹ và EU chỉ chiếm khoảng 12,2%.
Tóm lại, các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết mang đến rất nhiều lợi ích to lớn cho chúng ta trong các chính sách phát triển kinh tế thị trường. Tuy nhiên, việc để mất 2 FTA quan trọng là TPP và EVFTA cũng đang khiến Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn trong thời gian tới. Các nhà đầu tư và hoạch định chính sách kinh tế quốc gia nên cẩn trọng từng bước đi, nếu không thì Việt Nam sẽ còn tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào thương mại Trung Quốc, tạo nên sự mất cân đối trầm trọng cho nền kinh tế nước nhà.